Kiên cường đi lên
Năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 144-HĐBT chia huyện Tam Kỳ thành hai đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đó là thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Ngày đầu thành lập huyện điện không, nhà máy không, giao thông đi lại cách trở, những con đường dọc, đường ngang của huyện đầy “nắng bụi, mưa lầy”. Nền kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất nhỏ, manh mún, bấp bênh, cả huyện chỉ có 25% diện tích trồng lúa chủ động nước tưới…
Để khắc phục khó khăn, bên cạnh thực hiện phương châm “đi từng bước vững chắc, tự lực là chính”, huyện Núi Thành cũng tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, nhất là về cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng kinh tế, tập trung kinh phí và nguồn lực đầu tư các công trình: điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Huyện xác định, nông - lâm - ngư nghiệp là ngành sản xuất chính, là mặt trận hàng đầu. Chỉ trong 3 năm 1984 - 1986, hàng chục công trình thủy lợi đã được xây dựng, phục vụ tưới tiêu cho nhiều cánh đồng. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi được nông dân thực hiện hiệu quả. Sau năm 1984, huyện thành lập một số công ty, xí nghiệp đặt nền móng cho phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Gần 10 năm sau, trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện một số doanh nghiệp công nghiệp như nhà máy tuyển cát ở Tam Hiệp, Công ty phá dỡ tàu thuyền - cán thép Kỳ Hà, Xí nghiệp đá Chu Lai, Nhà máy gạch tuynen, Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ, Nhà máy thức ăn nuôi tôm Hoa Chen… Năm 1993, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện tăng lên 9,75 tỷ đồng, gấp 5,55 lần so với năm 1984. Công trình đường dây tải điện 35KW Tam Kỳ - Núi Thành được khởi công vào năm 1984, đến năm 2004 điện đã về đến 100% xã trong huyện, đáp ứng mơ ước bao đời của nhân dân. Nhờ sự nỗ lực đó, trong 10 năm đầu mới thành lập huyện, những khó khăn ban đầu được khắc phục, bộ mặt huyện không ngừng đổi mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tạo tiền đề về cơ sở vật chất, đón nhận sự hình thành và tạo đà cho phát triển trong giai đoạn mới.
Đánh dấu sự thay đổi mang tính đột phá của huyện Núi Thành trên chặng đường 35 năm thành lập chính là từ khi Khu kinh tế mở Chu Lai ra đời (2003). Hơn 15 năm hoạt động, Khu kinh tế mở Chu Lai không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh mà còn tạo nên sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế của huyện Núi Thành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Lên đời… thị xã
Chính sự đột phá của Chu Lai đã thay đổi hoàn toàn diện mạo địa phương. Khu kinh tế đã trở thành hạt nhân, động lực, đặt nền móng cho Núi Thành phát triển, trở thành một huyện thuộc loại năng động nhất Quảng Nam trên tiến trình công nghiệp hóa. Theo nhận định của UBND huyện Núi Thành, các nhà đầu tư đến phần lớn là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Họ không thiếu tiền, chỉ thiếu thời gian, nên chính quyền huyện đã sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp một cách tối đa. Mượn lực khu kinh tế mở, địa phương này đã tiến hành phát triển các cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp nhỏ. Không mở rộng và thu hút bằng mọi giá. Họ biết chọn lựa nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Nam Chu Lai, Trảng Tôn và Tam Mỹ Tây là 3 cụm công nghiệp được các nhà đầu tư đến đặt cược vào những cuộc làm ăn lâu dài. Khu phố chợ Tam Quang, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ, Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tam Tiến, Khu du lịch Xuân Mỹ… được xem là những dự án đầu tư mới nhất, góp thêm lực phát triển cho địa phương.
Sự đột phá của Khu kinh tế mở và nội lực của chính địa phương đã biến vùng đất Núi Thành trở thành một địa phương đạt đến 95,1% tỷ lệ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Nông nghiệp chỉ chiếm 4,9% trong cơ cấu kinh tế. Tổng thu ngân sách năm 2018 đạt 11.216 tỷ đồng và ngân sách do huyện quản lý thu 148,5 tỷ đồng. Những con số thống kê hiện hữu ấy thực sự như một phép màu. Ngay cả những người có khả năng “nhìn xa, trông rộng” đến mấy cũng không thể ngờ sau 35 năm vùng đất khốn khó này có thể nằm ở tốp địa phương thu ngân sách nhiều nhất Quảng Nam, có dư nguồn lực đầu tư phát triển.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tri Ấn khẳng định, những thành tựu đạt được hôm nay thể hiện sự nỗ lực lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trong huyện. Thời gian tới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Núi Thành tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh thu hút các dự án lớn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Theo đó, Núi Thành nỗ lực phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã vào năm 2020.
Qua khảo sát thị trường địa ốc TP Đà Nẵng một tháng gần đây, các chủ đầu tư tại đây ...