Banner trang tin tức

Sức hút của thị trường BĐS Miền Trung

Những năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) miền Trung khởi sắc. Chính sách kích cầu du lịch cùng với ưu đãi thu hút đầu tư của các địa phương khu vực đã tạo lực đẩy cho nhiều dự án BĐS lớn ra đời. Đó là chủ đề hội thảo “BĐS miền Trung: Thực trạng và hướng phát triển bền vững” do Báo Công Thương và Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam tổ chức ngày 28.6 tại Đà Nẵng.

Lực hút nhà đầu tư

Theo ông Trần Cảnh Nam - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung đều xác định phát triển kinh tế biển, du lịch biển là mũi nhọn. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về giá đất so với miền Bắc và miền Nam là một lợi thế của BĐS miền Trung trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, những chính sách thu hút người tài cùng với nhu cầu an cư tại khu vực miền Trung đang ngày càng tăng, tất cả đã tạo nên bức tranh sinh động của BĐS khu vực.

Nổi bật, phân khúc BĐS và khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp miền Trung đã được nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế lựa chọn đầu tư như VinaCapital, Vingroup, Sungroup, Sovico Holding, Alphanam Luxury… Tính đến đầu năm 2018, TP.Đà Nẵng đã có hơn 800 căn biệt thự nghỉ dưỡng và gần 7.800 căn hộ khách sạn (condotel) được thị trường hào hứng đón nhận, hầu như không có sản phẩm tồn đọng.

Hay TP.Nha Trang (Khánh Hòa) - nơi được giới BĐS đặt mệnh danh là “Kinh đô condotel” với gần 23.000 condotel và hàng loạt BĐS nghỉ dưỡng lớn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước. Đáng chú ý, làn sóng đầu tư ồ ạt vào đất nền trong 3 năm trở lại đây đã dấy lên những lo ngại về “bong bóng” BĐS tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình…

Ông Trần Hiền Ninh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất xanh miền Trung nhận xét: “Thị trường BĐS miền Trung trong thời gian qua có những biến động mạnh. Mặc dù hiện tại đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên tiềm năng sinh lợi vẫn ổn định và trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư bắt đầu đầu tư thì thị trường nhà đất khu vực sẽ sôi động trở lại”.

Cần cái “bắt tay” giữa chính quyền - doanh nghiệp

Nhận định về “sốt bong bóng BĐS” trước đây (giai đoạn 2007 - 2012), ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, để tránh lặp lại những kịch bản cũ, cần thiết phải có sự “bắt tay” chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ông Nam cho biết, tuy tốc độ phát triển các dự án BĐS ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu chậm lại, nhưng phần lớn các dự án BĐS tại Đà Nẵng vẫn đang triển khai theo đúng tiến độ.

“Hiện nay Đà Nẵng có hơn 50 dự án BĐS đã và đang triển khai. Tổng số căn hộ, nhà ở liền kề, biệt thự... là hơn 50.000 căn. Thị trường BĐS TP.Đà Nẵng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư về tiềm năng và triển vọng tốt đẹp” - ông Nguyễn Văn Nam nói.

Ý kiến chung tại hội thảo là bên cạnh hệ thống chính sách pháp luật chung của nhà nước liên quan đến quản lý đất đai, doanh nghiệp, tài chính… thì những quyết sách của chính quyền địa phương có vai trò vô cùng quan trọng. Điều đó lý giải vì sao cùng sở hữu những điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng có địa phương phát huy được lợi thế, kêu gọi được các nhà đầu tư lớn, nhưng có địa phương lại không làm được điều đó.

Với kinh nghiệm làm chủ đầu tư hơn 20 dự án BĐS ở Quảng Nam và Đà Nẵng, bà Hoàng Thị Minh Châu - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bách Đạt chia sẻ: “Chính quyền nên quản lý làm sao để vừa tạo ra sự thông thoáng về thủ tục hành chính, vừa đem lại sự minh bạch thông tin cho thị trường. Cơ chế thông thoáng, thủ tục hành chính linh hoạt, gọn nhẹ sẽ góp phần thu hút được các nhà đầu tư uy tín. Đó là những yếu tố rất cần thiết, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường BĐS phát triển bền vững”.

Đối với những dự án đất nền, theo bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc cấp cao CBRE, chính quyền địa phương nên nghiên cứu chính sách ràng buộc thời gian triển khai xây dựng. Có như vậy mới tránh được các “dự án ma” và hiện tượng sốt ảo đất nền như thời gian vừa qua. Bà Dung cũng nhận định, dù thị trường có dấu hiệu chững lại nhưng đến nay, CBRE vẫn chưa nhận thấy có dấu hiệu “bong bóng” BĐS. Còn ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam lại thẳng thắn đề cập đến vai trò của đồng thuận của xã hội đối với thị trường BĐS.

Lựa chọn sản phẩm đúng giá

Trước nhiều ý kiến nhận định “truyền thông và môi giới BĐS cũng có phần trách nhiệm về sốt ảo đất nền”, ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: Sàn giao dịch và môi giới BĐS ra đời là đáp ứng nhu cầu kết nối cung - cầu của thị trường. Tuy nhiên, nếu người làm môi giới và sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc nghiệp vụ về thị trường, về sản phẩm, khách hàng… tất yếu sẽ làm xuất hiện thị trường ảo, tạo nguy cơ bong bóng BĐS và gây rủi ro cao cho nhà phân phối, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và rộng hơn là cả nền kinh tế.

“Chúng ta không né trách nhiệm, nhưng phần lớn những gì diễn ra trên thị trường chủ yếu là do người mua và chính họ dẫn dắt tâm lý đám đông. Nếu người mua không vồ vập mà có sự suy xét, cân nhắc kỹ thì sẽ không có những diễn biến tăng giá quá mức như vừa qua” - ông Tâm phân tích.

Theo ông Tâm, khi mua nhà đất, người mua nên cẩn trọng, suy nghĩ kỹ càng về nhu cầu mua, lựa chọn BĐS phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Quan trọng hơn, người mua cần thể hiện quyền của mình trong mua bán, có vậy mới có một sản phẩm đúng giá và hoạt động mua bán mới đúng bản chất. Nếu thông qua nhà môi giới, hãy chọn những nhà môi giới tại các công ty, sàn giao dịch BĐS có uy tín để được tư vấn tốt.

“Nếu cá nhân, tổ chức thực sự có nhu cầu mua BĐS miền Trung, hãy cố gắng tiếp cận thị trường càng sớm càng tốt. Bởi càng về sau người mua sẽ chịu thiệt hơn nhiều, vì quỹ đất ngày càng eo hẹp và mức giá đã qua tay nhiều người mua” - ông Tâm chia sẻ.

Tin liên quan
ĐỐI TÁC
Copyright ©2017
   Designed by VinaDesign